Ngày đăng bài: 22/04/2022 08:30
Lượt xem: 2548
GÓP PHẦN TÌM HIỂU PHƯƠNG PHÁP ĐỌC CỦA HỒ CHÍ MINH

“Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”[1]. Lời Bác dạy đã cho thấy tầm quan trọng của việc học tập suốt đời với mỗi con người. Tuy nhiên, trường lớp không thể dạy chúng ta suốt đời nên để tích lũy tri thức cho bản thân chúng ta phải tự học: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”[2]. Đọc sách, báo, tài liệu là một phương pháp tự học hiệu quả mà Hồ Chí Minh đã sử dụng. Nhân ngày Sách Việt Nam, chúng ta cùng tìm hiểu về phương pháp đọc của Hồ Chí Minh.

Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc đọc

Kế thừa truyền thống hiếu học của gia đình, Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc đọc, Bác đã đọc nhiều loại sách: sách bằng chữ quốc ngữ, sách Hán, sách Pháp... Chính nhờ chú trọng văn hóa đọc mà Hồ Chí Minh đã sớm được tiếp cận với “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lê-nin được đăng trên Tạp chí Quốc tế cộng sản số 11, ngày 14-7-1920 và trên báo Nhân đạo (L’Humanite) - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp, số ngày 16 và 17-7-1920. Đây là một sư kiện quan trọng, đánh dấu sự chuyển biến trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam. Nhớ lại sự kiện đó, Hồ Chí Minh tâm sự: “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[3]. Như vậy, qua quá trình học tập thực tiễn và qua việc đọc“Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lê-nin đã giúp Hồ Chí Minh tìm được con đường cách mạng chân chính cho dân tộc.

Sau này, nhà thơ Chế Lan Viên đã hồi tưởng lại giây phút thiêng liêng đó qua bài thơ Người đi tìm hình của nước như sau:

“Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin.
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin.

 

Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:
"Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!"
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước.
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười,...”

Trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước Hồ Chí Minh đã đọc rất nhiêu sách báo để học ngoại ngữ, với tố chất thông minh và sự kiên trì, chịu khó Hồ Chí Minh đã biết nhiều thứ tiếng khác nhau như Pháp, Anh, Trung, Ý, Đức, Nga… Hiện nay, sách báo bằng tiếng nước ngoài của Hồ Chí Minh được lưu giữ rất nhiều, riêng ở nhà sàn có tới 73 quyển tiếng Pháp, 14 quyển tiếng Nga[4].

Khi đã ở vào tuổi thất thập cổ lai hy, Hồ Chí Minh vẫn không ngừng tự học. Hồ Chí Minh  từng chia sẻ: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”[5]. Nằm trên giường bệnh, tuổi cao sức yếu mà Bác vẫn miệt mài đọc và học. Khi Bác qua đời, các đồng chí dọn giường nằm của Bác, vẫn thấy dưới gối cuốn từ điển Việt Nam - Tây Ban Nha - thứ tiếng mà Bác đã biết, đã học từ hồi còn trẻ ở châu Mỹ và cuốn sổ tay ghi chép những từ mới đã học cùng với mẩu bút chì đánh dấu từng trang sách.

 

Quá trình tự học suốt đời đã giúp Hồ Chí Minh hình thành phương pháp đọc hiệu quả:

Một là, phải đọc rộng và có trọng tâm

Các loại sách, báo, tài liệu trên thế giới và trong nước rộng lớn vô cùng nên phải cố gắng đọc rộng để mở mang kiến thức. Hồ Chí Minh từng dạy: “Muốn có nhiều tài liệu thì phải xem cho rộng. Xem báo Trung Quốc, báo Liên Xô, báo Anh, báo Pháp... xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy”[6]. Để có nguồn tài liệu phong phú để đọc, Hồ Chí Minh cũng chỉ dạy: “Tìm tài liệu cũng như những công tác khác, phải chịu khó. Có khi xem tờ báo này có vấn đề này, xem tờ báo khác có vấn đề khác, rồi góp 2, 3 vấn đề, 2, 3 con số làm thành một tài liệu mà viết”[7].

Tài liệu trọng tâm mà mỗi người dân đặc biệt là cán bộ, đảng viên bắt buộc phải đọc là các sách báo, ấn phẩm của Đảng Cộng sản Việt Nam vì “Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất”. Báo Đảng dạy chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác, giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta. Hồ Chí Minh nói: “Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc. Vì vậy, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán, cần phải xem báo Đảng”[8].

Hai là, đọc phải có ghi chép, đánh dấu và phân loại

Kiến thức từ sách, báo, tài liệu rất rộng nên khi đọc phải có ghi chép và phân loại ngay các thông tin trong sách báo. Là một người ham hiểu biết Người đã say mê đọc sách ngay từ khi còn là một cậu trò nhỏ. Theo lời kể của nhà văn Sơn Tùng trong cuốn “Búp sen xanh”, cậu Thành đã có một phương pháp đọc rất đáng chú ý là “khuyên và đánh dấu vào những chỗ đọc thấy cần thiết”. Phương pháp này của Bác đã được người bạn cùng học là cậu ấm Phạm Gia Cần chia sẻ: “ở gần Thành, mình học hỏi được nhiều thứ, nhất là cách đọc sách”[9].

Để tiết kiệm thời gian, Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến việc ghi chép, đánh dấu, phân loại ngay trong quá trình đọc. Trong cuốn sách “Cách viết”, Bác đã căn dặn: “những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết. Có khi xem mấy tờ báo mà chỉ được một tài liệu thôi”[10]. Không có ghi chép cẩn thận thì những khi cần sẽ phải mất nhiều thời gian để tìm kiếm lại. Hồ Chí có cuốn “Bút ký đọc sách” trong đó ghi lại những ý chính của các cuốn sách Bác đã đọc cùng với những nhận xét đánh giá của mình. Trong “Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch”, Người đã ghi lại: “Mỗi ngày, Cụ xem chừng 25 tờ báo, báo sáng, báo chiều, báo hàng tuần và báo ngoại quốc. Báo có tin tức gì hay, Cụ lấy bút chì đỏ làm dấu vào, rồi bảo anh em xem”[11].

Ba là, có tư duy độc lập, phản biện

Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng”[12]Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu trong sách. Có vấn đề thông suốt thì mạnh dạn đề ra cho vỡ lẽ, đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi: “vì sao” đều phải suy nghĩ kỹ càng, xem nó có hợp với thực tế hay không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ cho chín chắn. Khi Bác Hồ đọc luận cương “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin, Bác đã phải “đọc đi đọc lại nhiều lần”, phân tích, cắt  nghĩa thấu đáo mới hiểu được phần chính, nhờ đó mà trong số những thanh niên yêu nước đang hoạt động tại Pháp đọc được luận cương của Lênin thì chỉ duy nhất có Hồ Chí Minh tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc qua tác phẩm đó.

Bốn là, học đi đôi với hành

Đọc sách, báo, tài liệu để nâng cao kiến thức, kiến thức đó phải được đem áp dụng vào thực tế mới có hiệu quả thiết thực vì Hồ Chí Minh cho rằng: “Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[13]. Trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn chú trọng đem kiến thức qua sách báo vào thực tiễn cuộc sống. Người đã từng nói: “Siêng xem sách và xem nhiều sách là một việc đáng quý” nhưng “dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”[14]. Thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng chứng minh rằng: nhờ sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam mà Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi lầm than.

Nếu như đọc mà không áp dụng vào cuộc sống là đọc phù phiếm, Hồ Chí Minh rất phê phán cách đọc này: có đồng chí học thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ tự cho mình là hiểu biết chủ nghĩa Mác - Lênin hơn ai hết. Song khi gặp việc thực tế, thì họ hoặc là máy móc, hoặc là lúng túng. Lời nói và việc làm của họ không nhất trí. Họ học sách vở Mác - Lênin, nhưng không học tinh thần Mác - Lênin. Học để trang sức, chứ không phải để vận dụng vào công việc cách mạng[15].

Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học suốt đời. Phương pháp đọc của Hồ Chí Minh là những bài học quý, vừa có giá trị lý luận vừa có giá trị thực tiễn sâu sắc. Ngày nay, công nghệ - thông tin phát triển mạnh mẽ trên thế giới, người học có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến hành tự học, tự đọc. Tuy nhiên, những bài học về phương pháp đọc của Hồ Chí Minh vẫn phát huy giá trị. Vận dụng phương pháp đọc của Hồ Chí Minh mỗi người hãy chọn cho mình những hình thức phù hợp nhất để việc đọc sách trở nên thú vị và mang lại hiệu quả, giúp mỗi người tiếp thu nhiều nhất nguồn tri thức của nhân loại.

 

 

[1] Hồ Chí Minh  (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 10, tr.377.

[2] Hồ Chí Minh  (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 6, tr.361.

[3] Hồ Chí Minh  (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 12, tr.562.

[4] Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (2017), mỗi câu chuyện một bài học,NXB Thông tin và truyền thông, HN, tr.13

[5] Hồ Chí Minh  (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 13, tr.273.

[6] Hồ Chí Minh  (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 8, tr.207.

[7] Hồ Chí Minh  (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 8, tr.207.

[8] Hồ Chí Minh  (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 8, tr.515.

[9] Sơn Tùng. Búp sen xanh. H.: Kim Đồng, 2000.- Tr 176

[10] Hồ Chí Minh  (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 8, tr.207.

[11] Hồ Chí Minh  (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 4, tr.448

[12] Hồ Chí Minh  (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 11, tr.48

[13] Hồ Chí Minh  (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 11, tr.95

[14] Hồ Chí Minh  (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 5, tr.274

[15] Hồ Chí Minh  (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, H, tập 11, tr.611