Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Theo Hồ Chí Minh, thi đua là yêu nước một cách thiết thực và tích cực. Người nói: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất". Hồ Chí Minh là người khởi xướng phong trào thi đua yêu nước, chỉ ra mối quan hệ bản chất giữa hai yếu tố yêu nước - truyền thống quý báu của dân tộc với thi đua, giải pháp khơi dậy nguồn lực của đất nước, đảm bảo cho truyền thống yêu nước được giữ vững và phát triển không ngừng. Sự kết hợp nhuần nhuyễn này đã tạo cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh, tinh thần vô song, tồn tại lâu dài, gắn liền với tiến trình phát triến của dân tộc. Người yêu cầu, qua phong trào thi đua mà bồi dưỡng, phát huy lòng yêu nước làm cho truyền thống yêu nước thể hiện bằng hành động thực tế trong lao động sản xuất, chiến đấu, sáng tạo, cũng qua đó mà tẩy rửa những tàn dư của xã hội cũ, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, hình thành nên lý tưởng cao đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa - lý tưởng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng của Người đã đi vào cuộc sống, thành động lực phát huy lòng yêu nước của nhân dân, thành sức mạnh thúc đẩy phong trào thi đua trong quần chúng. Ngày nay dưới ánh sáng tư tưởng thì đua yêu nước Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam đang nô nức tham gia phong trào thi đua để làm giàu cho đất nước, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước Việt Nam vươn tới mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Để góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua, Nhà xuất bản Lao Động phối hợp với Trường Đại học Công đoàn biên soạn, xuất bản cuốn sách: "Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" do PGS. TS Nguyễn Viết Vượng chủ biên.
Bạn đọc có thể mượn sách tại Phòng Mượn, tầng 2, Nhà T, Thư viện trường Đại học Công đoàn.(DDC: 335.4346; Mã vạch: 200008186)